2007-01-27 12:00:28

TRẠI TẬP TRUNG DACHAU (ĐỨC)


Cha Jacques Sommet người Pháp. Sinh năm 1912, Jacques Sommet trở thành tu sĩ dòng Tên năm 24 tuổi.

Năm 1939, thế chiến thứ hai bùng nổ, Thầy Jacques bị động viên một thời gian. Mãn quân dịch, Thầy trở về với cuộc sống tu trì và tiếp tục học tại đại học Sorbonne, nằm trong thủ đô Paris nước Pháp. Vừa học Thầy vừa tham gia phong trào kháng chiến, đặc biệt trong lãnh vực che giấu người Do Thái khỏi sự lùng bắt của công an và của bọn mật vụ đức-quốc-xã.

Đang hăng say hoạt động thì Thầy Jacques Sommet bị tố giác, bị bắt và bị đưa đến trại tập trung DaChau (Đức), trong vòng một năm, trước khi thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945. Năm sau - 1946 - Thầy thụ phong Linh Mục.

Sau thời gian dài phục vụ trong lãnh vực đào tạo các tu sĩ trẻ tuổi và trong ngành hoạt động xã hội của dòng Tên nơi giới trẻ lao động Pháp, Cha Jacques Sommet còn là giáo sư dạy triết và thần học, hăng say với nhiệm vụ, mặc dầu tuổi đã cao.

Đúng là cuộc sống đong đầy hoạt động - vừa trí thức vừa xã hội - của tu sĩ dòng Tên. Thế nhưng đối với cá nhân Cha Sommet, thì một năm tù đày nơi trại tập trung DaChau - hay đúng hơn lò sát sinh DaChau - mới thật là kinh nghiệm ”cô-đọng” và quý giá. Kinh nghiệm này giống như ”cái-nhân”, ”cái-lõi” soi sáng cuộc đời Cha. Cha Jacques Sommet kể lại như sau.

Tháng 5 năm 1944 tôi là 1 trong 110 người bị dồn vào toa xe lửa chở súc vật. Bình thường, toa chỉ dành để chở 8 con ngựa. Thế mà họ nhét vào đây 110 người đàn ông lực lưỡng như chúng tôi lúc bấy giờ!

Thật là khủng khiếp. Thêm vào đó, tất cả đều đóng kín, kể cả những chiếc cửa sổ nhỏ, để cho súc vật thở, cũng bị đóng kín. Đêm tối đau thương kéo dài 3 ngày 3 đêm. Thời gian ngắn ngủi nhưng gần như bất tận ấy, chúng tôi nếm đủ mọi khốn khổ: đói, khát và bạo lực. Nhưng cũng chính trong chặng đường gian nan đầu tiên đó mà tôi sống kinh nghiệm thế nào là từ bỏ và cô tịch. Và rồi, dầu bị tước đoạt tất cả, tất cả, tôi vẫn cảm thấy còn lại nơi tôi một sức sống, một thực tại sâu xa. Thực tại đó là sự hiện diện của THIÊN CHÚA, ngự trị nơi tâm lòng tôi.

Kinh nghiệm thứ hai xảy ra mấy ngày sau khi tôi đến trại tập trung DaChau.

Lúc đó tôi chưa có công tác gì, chỉ bơ vơ trơ trọi với duy nhất bộ đồ mặc trên người. Tôi đứng lang thang dưới chân một tháp canh. Trên tháp canh là viên công an đức-quốc-xã. Với bộ đồng phục và với khẩu súng, chàng tỏ ra như hiện thân của quyền hành, bạo lực, khinh bỉ và đàn áp!

Đó chỉ là hình dáng bên ngoài, còn thật ra chàng là tên nô lệ, chỉ nơm nớp đợi lệnh và thi hành lệnh .. những mệnh lệnh giết người!

Trong khi đó tôi mới là người tự do thật, bởi vì không ai có thể ngăn cấm tôi ngợi khen ca tụng THIÊN CHÚA. Chính trong giây phút bất lực và trơ trụi ấy, tôi cảm nhận sức mạnh vô biên của THIÊN CHÚA tôi tôn thờ và sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài.

Kinh nghiệm thứ ba xảy ra ngay trước khi mãn hạn tù đày.

Lúc ấy quân đội đồng minh sắp đến giải thoát trại tù chúng tôi. Bọn đức-quốc-xã vội vàng tẩu thoát, không kịp giờ phi tang tội ác tầy trời của họ. Tôi cùng anh bạn đến viếng nơi người ta dành để đốt xác chết. Tôi đứng trước một đống xác chết. Tất cả hầu như chỉ còn là những bộ xương.

Trước hình ảnh đau thương tôi gần như buột miệng kêu lên:

- Thật là cuộc thảm bại cho những người này và cho toàn nhân loại!

Nhưng rồi, khi trầm tư trước đống xác chết, tôi hiểu rằng:

- Đây là những người can đảm chiến đấu đến cùng để dành sự sống. Họ chỉ chết vì người khác muốn cho họ chết, hành hạ họ cho đến chết. Thế thôi!

Xuyên qua các xác chết, tôi như trông thấy cuộc sống khác, vượt quá cuộc sống trần gian của con người. Và cuộc sống thứ hai mới thật quan trọng, bởi vì nó vĩnh cửu!

Người ở lâu trong trại tập trung DaChau - người đến trước - thường nói với người mới đến:

- Nơi đây, cái chết gần kề sự sống!

Riêng tôi, sau kinh nghiệm một năm trải qua nơi đây, tôi khám phá ra rằng:

- Nơi đây, sự sống có thể ở gần cái chết!

nghĩa là:

- Tôi không bao giờ đánh mất niềm hy vọng, niềm hy vọng tuyệt đối vào Tình Yêu THIÊN CHÚA.

(”Annales d'Issoudun”, Avril/1993, trang 121-124).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.