2013-03-13 13:21:01

ANH EM LÀ BỨC THƯ CỦA ĐỨC KITÔ ĐƯỢC GIAO CHO CHÚNG TÔI CHĂM SÓC


... Ngày 31-8-1975, Đức Cha Alessandro Staccioli (OMI, 44 tuổi) giám quản tông tòa giáo phận Luang-Prabang, cùng với tất cả các vị thừa sai, được binh lính hộ tống, bị bắt buộc rời bỏ đất nước Lào thân yêu. Đức Cha Alessandro Staccioli người Ý, thuộc dòng Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Kể từ ngày chia ly đau thương ấy, lòng các vị thừa sai vẫn không quên đoàn chiên thân yêu các vị bỏ lại. Năm 1996, Đức Cha trở lại Lào để thăm viếng. Nhưng tự do chưa vãn hồi, vì thế, Đức Cha không được công khai liên lạc với những người quen biết. Sau lần viếng thăm chui đó, Đức Cha Alessandro Staccioli bồi hồi ghi lại biến cố xảy ra vào năm 1975.

Một cơn vũ bão giáng xuống trên cứ điểm truyền giáo của chúng tôi. Thật ra chúng tôi có tiên đoán và chuẩn bị đón chờ biến cố. Nhưng chúng tôi đã không ngờ rằng thực tế đau thương gấp ngàn lần những gì chúng tôi có thể nghĩ ra.

Sau lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, tôi được công an tỉnh mời đến nói chuyện. Ông đi thẳng vào đề:
- Xin tất cả các thừa sai đang có mặt tại miền Bắc nước Lào, hãy ra khỏi Lào, vào cuối tháng 8, 1975!

Đối diện với viên công an tỉnh và nghe ông nói, tôi không mảy may sợ hãi. Tôi muốn biết rõ lý do nào khiến chúng tôi bị trục xuất. Ông chỉ lạnh lùng đáp:
- Bởi vì giáo huấn của các vị không phù hợp cũng chẳng ích lợi gì cho người dân Lào!

Nghe vậy, tôi tự nhủ:
- À ra thế! Chúng tôi đến đây để rao giảng Phúc Âm và chính Phúc Âm làm cho các cán bộ cộng sản khó chịu!

Tôi bỗng nhớ lại lời Chúa GIÊSU phán: ”Không phải họ đuổi các con, nhưng họ đuổi chính Thầy!.. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời các con, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, các con hãy giũ bụi chân lại” (Mátthêu 10,14). Tuy nhiên, chúng tôi đã không phủi bụi chân. Trái lại, chúng tôi đã thu góp tất cả chìa khóa các trường học và bệnh xá của chúng tôi, rồi đem giao cho chính quyền và nói:
- Chúng tôi đã xây cất và tổ chức các cơ sở từ thiện này là để phục vụ người dân Lào. Nhưng giờ đây, vì chúng tôi không còn được phép hoạt động nữa và vì chính các ông muốn tự lo cho dân chúng, nên chúng tôi xin trao các chìa khóa này cho các ông, để các ông tiếp tục phục vụ và yêu thương người dân, như chúng tôi từng yêu thương và phục vụ cho đến hôm nay!

Tôi để ý thấy gương mặt viên công an tỉnh và các cộng sự viên của ông, lộ nét đầy thán phục. Họ nồng nhiệt cám ơn chúng tôi ..

Tin đồn chúng tôi bị trục xuất lan nhanh trong dân chúng. Các tín hữu Công Giáo lần lượt đến cứ điểm truyền giáo chào từ biệt chúng tôi. Nước mắt lưng tròng, họ nói với chúng tôi:
- Từ đây chúng con sẽ mồ côi. Ai sẽ cử hành Thánh Lễ và ban các bí tích cho chúng con???

Thật thế! Không một Linh Mục nào được phép ở lại. Vị Linh Mục người Lào duy nhất của giáo phận tông tòa Luang-Prabang đang bị kẹt tận mãi miền Bắc và không được phép trở lại thành phố.

Để đánh dấu biến cố chia ly, chúng tôi quyết định cử hành Thánh Lễ cuối cùng tại nhà thờ chính tòa. Chúng tôi cẩn thận chọn các bài đọc trong Thánh Lễ phù hợp với hoàn cảnh. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, nơi đoạn thánh Phaolô từ biệt các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô. Khi đọc tới câu: ”Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa” (20,17-36), người đọc sách thánh bỗng ngừng lại, bởi vì mọi người trong nhà thờ bắt đầu thút thít khóc ..

Bài Phúc Âm được trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 15-16, nơi thánh sử nói đến lòng thù hận của thế gian, đến việc bắt bớ và đến quyền lực của Đức Chúa Thánh Thần cũng như chiến thắng vinh quang của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trên thế giới..

Thánh Lễ không có bài giảng. Các bài đọc trong Thánh Lễ đủ nói lên tất cả tâm tình của chúng tôi, người ra đi cũng như kẻ ở lại.

Từ đây Giáo Hội Công Giáo tại Lào bắt đầu những ngày sống của Giáo Hội Hầm Trú, thời của Giáo Hội tiên khởi thầm lặng bị bách hại.

Nhưng trong thế giới đang thay đổi, rồi cũng sẽ có điều gì đó phải đổi thay tại Lào quốc.. Trong ngôi chùa cạnh bờ sông Cửu Long, nơi một góc vườn, ẩn dưới các tàn cây, có dấu cái chuông bằng đồng của nhà thờ chính tòa giáo phận Luang-Prabang. Bên trên cái chuông còn nguyên hình ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cái chuông nằm đó, đợi chờ một ngày có bàn tay giật, ngân vang lời mời gọi tín hữu quy tụ đến nhà thờ.. Bàn tay đó đã có rồi. Chính là Đức Trinh Nữ MARIA, Người Nữ Thừa Sai vẫn ở lại với Giáo Hội Công Giáo Lào.. Một ngày gần đây, tiếng Đức Mẹ gọi sẽ vang lên thúc giục và các con Mẹ sẽ chạy về với Mẹ..

... ”Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức KITÔ được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của THIÊN CHÚA hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người. Nhờ Đức KITÔ, chúng tôi dám tin tưởng vào THIÊN CHÚA như vậy. Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn THIÊN CHÚA” (Thư 2 gởi tín hữu Côrintô 3,2-5).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.317, Février/1997, trang 71-76)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.